DỰ ÁN OCOP VĨNH LONG
Chủ nhật, 25/10/2020

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm có tên tiếng Anh là One commune, one product, viết tắt là OCOP được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018.

Chương trình lựa chọn đơn vị xã vì gắn với xã xây dựng nông thôn mới và hệ thống chính quyền cấp xã thực hiện trực tiếp.

Một xã, hoặc nhiều xã, liên xã, liên huyện sản xuất một hoặc nhiều sản phẩm. Khuyến khích thực hiện chương trình cả ở khu vực đô thị. Sản phẩm bao gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ.

CHƯƠNG TRÌNH OCOP TẠI TỈNH VĨNH LONG

Trọng tâm của Chương trình là sản phẩm, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Sản phẩm bao gồm cả sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ. Kết quả phát triển và thương mại hóa sản phẩm phải được đánh giá hằng năm, từ đó phân hạng để hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm.

Chương trình cần có ba giai đoạn cơ bản:

- Giai đoạn 1 (2018 -2019): Hình thành hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến huyện, xã, với sự tham gia của tất cả các đơn vị như đã nêu trên. Giai đoạn 1 kết thúc khi tạo được mối quan tâm và vào cuộc của cộng đồng, có hệ thống OCOP trong toàn tỉnh và được vận hành cơ bản theo chu trình.

- Giai đoạn 2 (2020-2025): Phát triển và đi vào chiều sâu, nhằm củng cố và phát triển các thành quả đã đạt được ở giai đoạn 1, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, và phát triển thị trường trong tỉnh, trong vùng và trên phạm vi toàn quốc.

- Giai đoạn 3 (2026-2030): Phát triển các sản phẩm đỉnh cao, bằng cách chọn lọc các sản phẩm có khả năng xuất khẩu để hỗ trợ xâm nhập thị trường quốc tế.

Mục tiêu tổng quát

- Đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Vĩnh Long để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh.

- Xác định và tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư trong tỉnh.

- Xây dựng và triển khai được các dự án khai thác thế mạnh của nông nghiệp Vĩnh Long là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

- Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các Hiệp định thương mại AEC, AFTA, TPP.

- Xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Vĩnh Long trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu cụ thể

* Hoàn thiện hệ thống tổ chức OCOP Vĩnh Long

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến huyện, xã.

- Ban hành chính sách riêng cho chương trình; Xây dựng quy chế quản lý tem nhãn mác OCOP, chế độ chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; Hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.

- Có một hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên.

- Hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động chuyên nghiệp; thương hiệu OCOP được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

* Phát triển nguồn nhân lực

- Đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) được đào tạo kiến thức về Chương trình OCOP. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ.

- 100% lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.

 - Đào tạo nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

* Duy trì chu trình OCOP thường niên

- Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện.

- Hằng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình chuẩn đã ban hành.

* Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP

- Củng cố ít nhất 20 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hiện có.

- Phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trong đó, 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 10 Hợp tác xã.

* Phát triển sản phẩm

- Tiêu chuẩn hóa ít nhất 35 sản phẩm, du lịch nông thôn hiện có của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

- Phát triển mới ít nhất 15 sản phẩm; 10 sản phẩm 5 sao, có thể xuất khẩu; 5 sản phẩm chuyên nghiệp (phát triển sâu theo chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, định hướng đạt thương hiệu quốc gia).

Phát triển ít nhất 5 làng (xã) văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn làng du lịch từ 3 trở lên.

 

Các thông tin khác: