Làng tàu hủ ky trăm năm Mỹ Hòa, Bình Minh
Thứ sáu, 30/10/2020

Đã tồn tại gần một thế kỷ, làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa nổi tiếng của vùng đất Bình Minh - Vĩnh Long nằm tại dải đất kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn (nay gần chân cầu Cần Thơ). Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ kinh tế thị trường cũng như cạnh tranh và hàng giá kém chất lượng thế nhưng Tàu hủ ky Mỹ Hoà vẫn phát triển mạnh mẽ, giải quyết một phần nguồn lao động , nâng cao đời sống người dân làng nghề và kinh tế địa phương. Tàu hủ ky hay còn gọi là phù chúc hoặc váng đậu là một sản phẩm làm từ đậu nành do hai anh em người Hoa tên là Châu Phạch và Châu Sầm đem đến đất Mỹ Hòa ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long lập nghiệp. Sau đó, bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dần số người làm tàu hủ ky động lên và hình thành làng nghề. Một vùng đất với mùi khói đặc trưng của những miếng tàu hủ ky vàng ruộm, cùng hình ảnh giàn sợi tàu hủ ky đón nắng dọc bờ sông.

Tàu hủ ky rất giàu chất dinh dưỡng, ban đầu, nhắc đến tàu hủ ky là chỉ phục vụ đơn thuần trong việc ăn chay. Tuy nhiên, ngày nay, tàu hủ ky không còn chế biến các món ăn chay mà trở thành nguyên liệu trong nhiều món ăn khác từ mặn đến chay. Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh được thị trường miền Tây, miền Đông ưa chuộng và chế biến từ đậu nành sạch 100 % và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh ”. Vào Năm 2017, Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL. Quy trình làm tàu hủ ky khá đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức, đầu tiên, đậu ngâm khoảng 2 - 3 tiếng cho nở và mềm, đổ vào nước rút vỏ sảy cho hạt đậu thật sạch rồi đem xay thành bột, sau đó vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun và khi miếng tàu hủ động thành váng, thợ nấu sẽ dùng thanh trúc gợt miếng tàu hủ phơi vắt trên sào. Song song đó, để lên váng đậu, nước trong chảo phải duy trì ở khoảng 70 độ C. Nếu muốn là tàu hủ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút . Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch vàng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bè. Để ra được 1kg tàu hủ ky với giá 95 ngàn đồng bán ra thị trường phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi.

Thời gian thuận lợi để làm tàu hủ ky ngon là từ khoảng giữa tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Đặc biệt, mùa gió chướng tháng 7, lúc đó nước đục và đậu xấu nên tàu hủ thường lên vàng chậm và màu không đẹp. Ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa ( TX Bình Minh ) cho biết: Các dịp rằm, tàu hủ ky rất hút hàng nên các hộ phải gia tăng sản xuất cho ra sản phẩm nhiều gấp đôi so ngày thường. Dịp rằm tháng 10, sức mua càng tăng mạnh nên hiện các hộ đã tăng sản xuất, cung cấp cho thị trường hơn 3 tấn/ngày nhưng vẫn “ không đủ bán ”. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất khoảng từ 2- 2,5 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại như: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối ... cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Tính đến thời điểm hiện nay, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh - Vĩnh Long có 34 hộ dân đang hoạt động và giải quyết việc làm cho gần 300 lao động ở địa phương. Với quá trình phát triển lâu đời, chất lượng sản phẩm cùng sự cần cù chịu thương chịu khó của tập thể Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa, rất mong các cấp chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và quảng bá mở rộng thị trường cho sản phẩm tàu hủ ky này lớn hơn nữa ... Nhằm mục đích nâng cao đời sống cho người dân địa phương đồng thời, phát huy và gìn giữ, bảo vệ làng nghề truyền thống địa phương cũng như đất nước.

Nguyên Quỳnh

Các thông tin khác: